Rick Modlin

   

   Luật bản quyền rất phức tạp. Nhưng ứng dụng thực tế của nó trong thánh nhạc ở giáo xứ thì rất đơn giản và hợp lý. Trong bài viết này, chúng ta sàng lọc qua những thuật ngữ pháp lý để chuyển tải những câu trả lời dễ hiểu cho một số câu hỏi phổ biến về bản quyền.

   Không giống như cái tên nghe có vẻ ngụ ý, bản quyền không phải là quyền để tạo ra một bản sao. Để minh họa cho điều này, hãy tưởng tượng bạn là một nhạc sĩ và tự mình sáng tác một bài hát gốc với lời ca gốc. Bạn có thể tự do tạo ra bao nhiêu bản sao tùy thích; bạn không cần bản quyền để làm điều đó. Tuy nhiên, có thể bạn sẽ muốn hạn chế số người có khả năng tạo ra nhiều bản sao bài hát gốc của bạn, đó là khi cần có bản quyền. Đó là sự bảo vệ pháp lý cho bạn, với tư cách là một nhà soạn nhạc, cho phép bạn độc quyền cho phép (cấp giấy phép) cho người khác để tạo ra bản sao tác phẩm của bạn. Bạn cũng có quyền hạn chế số lượng bảo sao mà người được cấp phép có thể tạo ra.

   Vì sao bản quyền phát triển? Chủ yếu, bởi vì nó cho phép người tạo ra sản phẩm được bù đắp cho khoảng thời gian họ đã bỏ ra. Một lý do khác quan trọng không kém là nó khuyến khích sự theo đuổi những điều xuất sắc: tác phẩm càng hay, càng có nhiều người sử dụng, và tác giả hay nhạc sĩ được thưởng công tốt hơn.

   Lịch sử của bản quyền bắt đầu từ những năm đầu 1700, nhưng với mục đích của bài viết này, Đạo luật Bản quyền Hoa Kỳ năm 1976 và bản sửa đổi năm 1988, là những tài liệu đủ để xem xét.

   Vậy, khi nào được phép sao chép một bài hát? Điều này còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Hãy xùng xem xét một vài tình huống khác nhau.

1. “Nếu tôi mua một bản nhạc, tôi có thể sao chép nó cho cả ca đoàn không?”

   Không, bạn không được sao chép nó, cũng không được scan hay gửi email cho các thành viên ca đoàn. Các nhà xuất bản chủ đích giữ chi phí của từng bản nhạc ở mức thấp, vì mong đợi ca trưởng sẽ mua nhiều bản sao để trang bị cho cả ca đoàn. Một tác giả thường nhận được tiền bản quyền tương đương khoảng từ mười phần trăm giá bán một bản nhạc từ nhà xuất bản. Vậy, ở mức $1.50 (35.000đ) cho một bản nhạc, tác giả chỉ nhận được 15 cents (3.500đ) nếu bạn chỉ mua một bản. Thay vào đó bạn mua 30 bản cho ca đoàn, tác giả sẽ nhận $4.50 (105.000đ) tiền bản quyền. Bạn có thể thấy, các tác giả không thể làm giàu ngay cả từ việc bán hợp pháp tác phẩm của mình, nhưng $4.50 (105.000đ) là sự bù đắp tốt hơn rất nhiều cho tài năng của họ so với 15 cents (3.500đ), bạn đồng ý chứ?

2. “Tại sao bài hát lại đắt đến như vậy?”

   Đây là một câu hỏi khá hay. Bạn có thể dễ dàng chi $10 (233,000đ) cho một bản nhạc, chắc chắn tiền giấy không mắc đến như vậy phải không? Đúng, nhưng hãy nhớ rằng bạn không mua giấy và mực với giá $10 (233,000đ). Bạn đang mua quyền để sử dụng bài hát đó; hay nói chính xác hơn, bạn được cấp phép sử dụng bài hát từ người độc quyền sở hữu bài hát, theo Đạo luật Bản quyền năm 1976. Bản thân giấy và mực là những phần ít tốn kém nhất trong việc sản xuất nhạc. Nhà xuất bản phải chi trả cho rất nhiều thứ; ví dụ: họ phải thuê một biên tập viên để đảm bảo rằng bài hát được viết hoàn chỉnh và phù hợp với mục đích sử dụng; nhà xuất bản phải nghiên cứu về bản quyền bài hát, để đảm bảo không có phần nào của tác phẩm thuộc về người khác, hoặc nếu có, sự cho phép và thanh toán phù hợp cần được đàm phán với bên sở hữu bản quyền khác; nhà xuất bản đăng ký bản quyền với Thư viện Quốc hội để bảo vệ cả nhà xuất bản và nhà soạn nhạc; nhà xuất bản sắp chữ và chép nhạc sao cho dễ đọc; và nhà xuất bản tiếp thị và phân phối nó để mọi người biết về nó và thực sự có thể có được nó. Khi tất cả các chi phí này được cộng lại, giá xuất bản một bản nhạc có thể là vài ngàn đô la!

3. “Tôi có thể sao chép một bản cho mình để sử dụng cá nhân thôi không?”

   Có thể. Điều đó phụ thuộc vào việc bạn định làm gì với bản sao. Nếu bạn giữ chúng rồi đưa bản gốc cho người khác, thì hẳn là bạn đã tước đi quyền bán một bản nhạc của nhà xuất bản và tác giả. Nếu bạn định viết nhiều chú thích trên bản nhạc, thì việc sao chép thêm một bản sao giúp bản nhạc gốc của bạn được nguyên vẹn. Nếu bạn là một người chơi đàn đang cố gắng sắp xếp các trang nhạc cho dễ lật khi sử dụng, thì được, bạn có thể sử dụng bản sao với những trang rời rạc. Căn bản là, một bản nhạc được mua chỉ nên được sử dụng bởi một người tại một thời điểm, vậy nếu bạn đang sử dụng bản sao và bản gốc không được sử dụng bởi người nào khác, thì bạn đã không tước quyền của nhạc sĩ bán bản nhạc đó một cách hợp pháp, và do đó bạn đang giữ đúng tinh thần của luật bản quyền.

4. “Public Domain-Phạm Vi Cộng Đồng là gì, và làm sao tôi biết bài hát này thuộc Public Domain?”

   Bất kỳ tác phẩm nào không được bảo hộ bản quyền đều thuộc Phạm Vi Cộng Đồng; nói cách khác, được miễn phí cho mọi người sử dụng, kể cả việc tái sản xuất và rao bán. Để biết một bài hát là có bản quyền hay không thì khá dễ dàng (chỉ cần nhìn vào dòng bản quyền), trong khi đó, sẽ khó khăn hơn để biết khi nào bản quyền chấm dứt. Theo luật kể từ năm 1998, bản quyền có hạn định là 75 năm sau khi tác giả/nhạc sĩ qua đời.

   Vậy, bạn có thể tự do sao chép một bản hợp xướng của Palestrina, hơn bốn trăm năm sau khi ông qua đời không? Thật không may, câu trả lời không dễ dàng chút nào, bởi vì mặc dù bản thân âm nhạc thì thuộc phạm vi cộng đồng, một nhà xuất bản có thể sáng tạo một phiên bản riêng, với những chú thích riêng, kỹ thuật riêng,…và giữ bản quyền phiên bản đó. Tuy nhiên, bạn cũng có thể sử dụng giai điệu bài hát, nếu bạn muốn, để tự thêm thắt những ký hiệu diễn đạt theo ý mình và in chúng. (Bạn cũng có thể rao bán nếu bạn thích.) Hoặc bạn có thể tìm kiếm một phiên bản khác không có bản quyền của một nhà xuất bản nào.

5. “Tất cả thánh nhạc nên được miễn phí chứ?”

   Vâng, điều đó rất lý tưởng. Nhưng thực tế mà nói, không phải ai cũng có thể viết nhạc hay được. Chúng ta có thực sự muốn các nhạc sỹ viết thánh ca tài năng của chúng ta chết đói không? Mặc dù J.B. Bach đã ký “soli deo gloria” (duy Thiên Chúa được tôn vinh) vào cuối mỗi bài hát, ông ta vẫn có những đứa con để nuôi sống mình! Nghiêm túc mà nói, tiền bản quyền thu được từ việc bán các tác phẩm của nhạc sỹ là cách mà họ kiếm sống. Rốt cuộc, rất ít nhà thờ giữ được nhạc sỹ có thể sống tại giáo xứ mình nữa.

   Vậy còn các nhà xuất bản thì sao? Họ có đang kiếm được rất nhiều tiền từ việc bán nhạc thánh ca? Nhà xuất bản âm nhạc mà tôi đang làm việc là một nhà xuất bản phi lợi nhuận, điều đó có nghĩa là tất cả lợi nhuận thu được đều được dùng lại cho việc phát hành nhiều bài hát hơn (qua đó giúp hỗ trợ được nhiều nhạc sỹ hơn) hoặc được dùng để làm từ thiện. OCP đã cho đi $135,000 trợ cấp cho 76 giáo xứ vào năm 2010, để có thể hỗ trợ chi phí các việc của giáo xứ ở địa phương. Vậy theo bạn đó có phải là cách sử dụng hiệu quả số tiền bạn bỏ ra để mua nhạc không?

6. “Nhà thờ của tôi không có kinh phí để mua nhạc. Vậy thì sao chúng tôi có thể hát nếu không sao chép các bản nhạc chứ?”

   Đây là một câu hỏi khó. Nhiều nhà thờ thậm chí còn đang vật lộn chi phí để bật đèn, chứ đừng nói đến việc cung cấp âm nhạc cho cộng đoàn. Và so tiền bản quyền với tiền điện nhà thờ, thì nhiều nhạc sĩ vẫn có thể sẽ cho phép những giáo xứ khó khăn sử dụng âm nhạc của họ miễn phí, bởi vì hầu hết các nhạc sĩ đều xem xét khía cạnh mục vụ thánh nhạc trước, và thứ hai mới đến thu nhập của họ.

   Hãy nhìn vào khía cạnh pháp lý trước. Theo luật, chủ sở hữu bản quyền phải bảo vệ bản quyền, hoặc có nguy cơ mất bản quyền đó. Điều này giống như người sử dụng một thửa đất mà không có giấy phép và không trả tiền thuê; nếu chủ đất cho phép họ ở lại, thì cuối cùng họ có thể tuyên bố chủ quyền trên thửa đất đó. Tương tự, nếu một nhà xuất bản cố ý cho sử dụng âm nhạc của mình mà không cấp phép, thì có nguy cơ bị mất bản quyền. Như đã đề cập ở trên, một nhà xuất bản phải trả hàng ngàn đô la đầu tư vào bản quyền, vậy nên để mất nó không phải là điều tốt trong kinh doanh.

   Xét về tình, dĩ nhiên, có nhiều thách thức hơn. Nói một cách đơn giản, khi một nhà thờ sử dụng âm nhạc không được cấp phép hoặc không thanh toán, thì có người đang phải chịu thiệt hại. Nhạc sĩ chịu thiệt hại vì mất tiền bản quyền. Các nhân viên làm việc cho nhà xuất bản chịu thiệt hại bởi không đủ doanh thu để tiếp tục công việc của họ. Nó tạo ra một hiệu ứng domino, và không ai có thể chắc chắn điều đó sẽ ảnh hưởng đến mức nào. Cuối cùng, Giáo hội cũng chịu thiệt hại bởi vì khả năng xuất bản nhạc chất lượng cao của nhà xuất bản nay bị thoái trào. Có bao nhiêu bài hát hay sẽ không bao giờ được hát vì một nhà soạn nhạc thiếu hụt tài nguyên để xuất bản do bị vi phạm bản quyền?

7. “Nếu tôi tự viết bản hoà âm cho một bản nhạc, thì tôi sở hữu tác quyền cho bản hoà âm đó phải không?”

   Không, bạn không thể sở hữu nó, nếu như bản gốc đã có bản quyền. Điều này làm ngạc nhiên nhiều người, nhưng bản hòa âm của bạn thực sự được sở hữu bởi chủ sở hữu bản quyền thực sự của tác phẩm, cho dù người giữ bản quyền có biết sự tồn tại của bản hòa âm đó hay không. Đạo Luật bản quyền năm 1976 cho phép người giữ bản quyền quyền độc quyền sản xuất các tác phẩm phát sinh của tác phẩm gốc. Bản hòa âm mới là một phiên bản phát sinh, vậy về mặt pháp lý, bạn thậm chí không thể viết nó mà không được sự cho phép của bên giữ bản quyền, và chắc chắn bạn không thể đăng nó lên trực tuyến hay bán chúng.

   Nhưng hãy nhìn vào khía cạnh thực tế. Bạn đang sử dụng một bản nhạc trong phụng vụ ngày Chúa nhật, và bạn có một người chơi clarinet, nhưng không có phần viết dành cho clarinet trong bản nhạc. Vậy, bạn viết ra chúng. Rồi bạn sẽ phải kết thúc câu chuyện ở tòa án? Không có khả năng đó, trừ khi bạn bắt đầu bán bản hòa âm của mình. (Tuy nhiên, bạn nên bao gồm thông tin bản quyền gốc trên bản hòa âm của mình.) Trong trường hợp đó, bạn không tước đi quyền bán sản phẩm của nhà xuất bản và nhạc sĩ, vì không có gì để mua. Bạn đang làm cho bản nhạc trở nên hữu dụng hơn, do đó làm tăng khả năng bạn sẽ sử dụng nó thường xuyên hơn – và đó là thứ gì đó mà hầu hết các nhà soạn nhạc và nhà xuất bản đều hoan nghênh.

© 2011, 2019, OCP. All rights reserved.

Bản tiếng Anh “Practical Copyright Answers for Pastoral Musicians” của Rick Modlin được đăng trên trên tạp chí Today’s Litugy vào năm 2011. Bài viết không những đưa ra những câu trả lời rất cơ bản về tác quyền mà còn rất dễ hiểu cho những người đang làm mục vụ thánh nhạc tại các giáo xứ ở Hoa Kỳ nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Để biết thêm thông tin về xin giấy phép và bản quyền, xin truy cập trang ocp.org/en-us/reprint-permissions

  • 1. Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật được ký tại Bern (Thụy Sĩ) năm 1886 sau các nỗ lực vận động của Victor Hugo (nhà văn-thơ-kịch lỗi lạc với tác phẩm kinh điển “Những Người Khốn Khổ”). Mãi đến tận 118 năm sau, Công ước Berne mới có hiệu lực tại Việt Nam kể từ ngày 26/10/2004
  • 2. Ngoài việc tham gia 5 Công ước Hiệp định quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan, Việt Nam cũng đang nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế khác, trong đó có 2 Hiệp định song phương về quyền tác giả, quyền liên quan (Hiệp định giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về thiệt lập quan hệ quyền tác giả và Hiệp định giữa Việt Nam và Thụy Sỹ về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ). Xem thêm tại đây.
  • 3. Như một phần của cam kết phục vụ Giáo hội của OCP, chúng tôi hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các giáo xứ Công giáo La Mã trên khắp Hoa Kỳ thông qua chương trình Trợ cấp Giáo xứ của OCP (OCP Parish Grants) hàng năm. Kể từ khi bắt đầu chương trình năm 2001, OCP đã hỗ trợ gần 2,8 triệu Mỹ kim cho các giáo xứ đang tìm cách nâng cao kinh nghiệm Phụng vụ của họ. Tìm hiểu thêm tại đây.

Rick Modlin

Rick Modlin hiện đang làm hoà âm và sản xuất thu âm cho OCP. Làm việc ở nhà với nhiều loại hình âm nhạc, anh đã thu âm một album nhạc jazz (Joy to the World), viết nhạc Phụng vụ và hợp xướng, dàn dựng nhạc cho một series phim hoạt hình Nhật Bản, tham gia trình diễn nhiều đêm nhạc kịch, lưu diễn khắp thế giới với dàn hợp xướng, biên soạn nhạc và thu âm với nhiều nhạc sĩ của OCP. Rick là một người làm mục vụ Thánh nhạc đầy nhiệt huyết tại tổng giáo phận Portland ở Oregon, Hoa Kỳ.

Share this page:
Chia sẻ trang này: